"Toilet thông minh" có thể theo dõi sức khỏe và chẩn đoán ung thư

Trong một số trường hợp, thiết bị này còn chẩn đoán được bệnh ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang,...của người dùng, bằng cách phân tích nước tiểu và phân.

Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến sĩ y khoa người Mỹ, Sanjiv Sam Gambhir, đã chính thức cho ra mắt sản phẩm “bồn cầu thông minh” với các tính năng theo dõi và phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của sức khỏe. Thậm chí, trong một số trường hợp, thiết bị này còn chẩn đoán được bệnh ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang,...của người dùng, bằng cách phân tích nước tiểu và phân.


Tiến sĩ Sanjiv Sam Gambhir 

TS Sanjiv Sam Gambhir cho biết: “Ý tưởng này của tôi đã có từ cách đây 15 năm, nhưng vào thời điểm đó khi tôi đề xuất, mọi người đã cười nhạo vì nó dù có vẻ là một ý tưởng thú vị nhưng quá kỳ quặc”.

Được biết, TS Gambhir và cộng sự của mình đã thực hiện một nghiên cứu thí điểm trên 21 người để đánh giá hiệu quả của “bồn cầu thông minh” trong việc phát hiện bệnh. Kết quả là thiết bị này đã chẩn đoán tương đối chính xác các bệnh lý của người dùng.

Bồn cầu thông minh được trang bị công nghệ ưu việt, với khả năng sử dụng cảm biến chuyển động để thực hiện các xét nghiệm tổng hợp, đồng thời đánh giá tình trạng sức khỏe. Thiết bị này rất phù hợp với những người đã có tiền sử mắc các bệnh về đường ruột hoặc suy thận.



Sau khi nhận được mẫu nước tiểu hay phân của người sử dụng, chất thải sẽ trải qua hàng loạt bước phân tích vật lý (tốc độ dòng chảy, tần suất, tổng khối lượng chất thải,...) và phân tích phân tử (số lượng bạch cầu, ô nhiễm máu, mức độ protein,...) để cho ra kết quả chính xác nhất.

Bồn cầu thông minh còn có khả năng phân biệt người dùng bằng cảm biến vân tay được gắn trên cần gạt nước và thiết bị ghi lại hình ảnh hậu môn, với mục đích cung cấp chính xác bệnh lý của từng cá nhân.

“Chúng tôi biết điều này có vẻ kỳ lạ, nhưng cũng như dấu vân tay, cấu trúc hậu môn của mỗi người là độc nhất. Hình ảnh quét dấu vân tay và hậu môn được sử dụng như một hệ thống nhận dạng để khớp với dữ liệu cụ thể của người dùng. Không một ai, kể cả bạn hay bác sĩ của bạn, được nhìn thấy hình ảnh bản quét các bộ phận này”- Nhóm nghiên cứu chia sẻ.



TS Gambhir cho biết, nhược điểm của bồn cầu thông minh là thiếu sự linh hoạt, vì khi đã cố định nó thì rất khó để tháo dỡ. Do đó, trong tương lai gần, ông sẽ thiết kế thêm sản phẩm bổ trợ, có thể dễ dàng gắn vào bất kỳ chiếc bồn cầu nào nhưng vẫn giữ nguyên được các tiện ích.

Ngoài ra, ông còn hy vọng rằng, thiết bị này có thể được tích hợp vào hệ thống lưu trữ hồ sơ của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhằm hỗ trợ cho việc truy cập thông tin của bệnh nhân một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.


Theo Nextgov

Nhận xét